MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐỀ ÁN 06 - TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ
VÀ LỢI ÍCH, TIỆN ÍCH KHI SỬ DỤNG
1. Đề án 06 là gì?
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ( gọi tắt là Đề án 06). Đề án 06 của Chính phủ đã xác định quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là:
(1) Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân;
(2) Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;
(3) Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số;
|(4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;
(5) Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
2. Tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử là gì?
Tài khoản định danh điện tử: Là tên tài khoản đăng nhập và mật khẩu, gồm: số định danh cá nhân; họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; ảnh chân dung và dấu vân tay, số điện thoại, gmail của công dân.
Xác thực điện tử: là việc xác minh, xác nhận của cơ quan chức năng đối với người sử dụng định danh điện tử.
3. Lợi ích và các tiện ích mang lại khi thực hiện
Thực hiện Đề án mang lại các quyền lợi, tiện ích nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, với các cơ quan tổ chức. Khi một cá nhân có tài khoản định danh điện tử và xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử trong giao dịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch, nhanh chóng, chính xác, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả (người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch, hoàn toàn trên môi trường điện tử thông qua mạng Internet) chỉ cần ở nhà hoặc bất cứ đâu cũng có thể giải quyết được mà không cần phải đến cơ quan, tổ chức thực hiện như trước đây, do vậy sẽ giảm được thời gian, chi phí, đi lại tốn kém đặc biệt là tập trung đông người, chờ đợi…
Người dân chỉ sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) đã được tích hợp với các loại giấy tờ cá nhân khác từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, trong giao dịch, đi lại mà không phải mang theo các loại giấy tờ như trước đây như: Giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế,… để thưc hiện các giao dịch tài chính như: Thanh toán hóa đơn điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…
Công dân sẽ thực hiện được các thủ tục hành chính trên qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nhận kết quả điện tử hoặc tại địa chỉ yêu cầu (nếu có), không phải đi lại, không phải xuất trình giấy tờ, không cần đến trực tiếp trụ sở cơ quan nhà nước, không phải tiếp xúc với cán bộ và không sử dụng tiền mặt, không phải khai báo lại các thông tin đã có trong dữ liệu Quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính.
Mọi thông tin công dân được bảo mật, chính xác, không thể giả mạo do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc do Chính phủ giao Bộ Công an quản lý. Người dân, doanh nghiệp chỉ phải kê khai, cập nhật lại thông tin khi có thay đổi.
4. Nơi cấp, đăng ký tài khoản định danh điện tử
Để được cấp tài khoản định danh điện tử Công dân từ đủ 14 tuổi trở nên đến Trụ sở Công an xã ( hoặc Công an Huyện) để được cấp Căn cước công dân (CCCD) và tài khoản định danh điện tử, như sau:
- Đối với công dân chưa được cấp CCCD sẽ được cấp CCCD và cấp tài khoản định danh điện tử.
- Đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD nhưng chưa được cấp tài khoản định danh điện tử sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử.
(Khi đến làm hồ sơ lập tài khoản định điện tử, công dân phải mang theo : số điện thoại chính chủ hoặc đang sử dụng; thẻ CCCD).