NÔNG THÔN MỚI
(Dự thảo) Kế hoạch Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tại hộ gia đình
31/08/2021 12:00:00

ỦY BAN NHÂN DÂN 
XÃ THANH QUANG

Số  /KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHÃI VIỆT NAM 
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
                           
                  Thanh Quang,   ngày tháng năm 2021

( DỰ THẢO )

KẾ HOẠCH

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tại hộ gia đình

I. Mục đích, yêu cầu

            1. Việc thực hành phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

         2. Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân bón hữu cơ tự chế biến;

         3. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
         4. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

II. Nội dung

1 Cách nhận biết, phân loại rác

Chất thải sinh hoạt là các loại rác bị loại ra trong quá trình sinh hoạt, hoạt động sản của con người, động vật. Cũng có nhiều người đã định nghĩa hóm hỉnh rác thải sinh hoạt là hữu cơ phục vụ cho con người. Khi không còn được sử dụng, chúng được coi là “tàn tích” và bị vứt trả lại môi trường sống. Bất kỳ một hoạt động sống nào của con người đều sản sinh ra một lượng rác đáng kể. Trung bình sẽ có 0.5 – 1kg lượng rác thải sinh hoạt “được” thải ra một ngày. Nếu không được xử lý thì sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong đó :

Rác thải hữu cơ gồm :

- Phần bỏ đi của thực phẩm sau khi đã lấy đi phần chế biến được: các loại rau củ bị hư thối

- Thực phẩm thừa, hỏng: cơm/canh/thức ăn thừa hoặc thiu, bã chè, cafe

- Hoa, lá, cỏ, cây không được sử dụng: cỏ cây bị cắt xén, hoa rụng…

Rác thải hữu cơ rất dễ phân hủy. Chúng thường được tái chế thành phân hữu cơ hoặc thức ăn cho động vật.

Rác thải vô cơ : Rác vô cơ là tất cả những loại rác không thể sử dụng cũng không thể tái chế. Chúng chỉ có thể được xử lý bằng cách chôn lấp. Rác vô cơ bao gồm:

- Bao bì bọc bên ngoài chai/hộp thực phẩm

- Túi nilon được bỏ đi. Những chiếc túi này có thể “sống sót” khá lâu. Nếu chôn ở dưới lòng đất, nó sẽ phân hủy hết trong 400 – 600 năm.

- Vật dụng/ thiết bị bị bỏ đi trong đời sống hàng ngày của con người.

Rác thải tái chế : Rác tái chế là loại rác khó phân hủy nhưng có thể tái chế sử dụng. Ví dụ như các loại giấy thải, các vỏ hộp/chai/ vỏ lon thực phẩm.

Rác thải văn phòng : Rác thải văn phòng được hiểu là những văn phòng phẩm không còn được sử dụng. Chúng có thể là giấy báo cũ, bút hết mực, hỏng…

Rác thải công nghiệp: Rác thải công nghiệp là những loại rác có thành phần cực kỳ độc như chất ngâm tẩm, tẩy rửa, chất hóa học, phế liệu công nghiệp… Rác thải công nghiệp nếu không được xử lý kỹ trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của con người cũng như môi trường sống xung quanh. Không những vậy, nó còn có thể gây ung thư, đột biến gen, suy thoái giống nòi… Rác thải công nghiệp được biết đến là các loại chai lọ thuốc trừ sâu bọ, thuốc kích thích tăng trưởng…

Rác thải xây dựng : Rác thải xây dựng được thải ra môi trường xung quanh từ quá trình xây dựng, sửa chữa các công trình. Các loại rác thải này còn được gọi là xà bần, bao gồm gạch, đá, vụn đất….

Rác thải y tế : là những vật ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ cơ sở y tế. Phân loại rác thải y tế theo Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT như sau :

Chất thải lây nhiễm bao gồm:

- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền;kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác;

- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly;

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm: Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên theo quy định tại Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

- Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm.

Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm:

- Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại;

- Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất;

- Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng;

- Chất hàn răng amalgam thải bỏ;

- Chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT.

Chất thải y tế thông thường bao gồm:

- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người và chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế;

- Chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế không thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại hoặc thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại quy định nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại;

- Sản phẩm thải lỏng không nguy hại.

2. Phương pháp thu gom rác thải

2.1 Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy:

Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).

2.2 Thu gom rác khó phân hủy
         -
Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.

- Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.

Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi nilon,….

3. Các phương pháp xử lý rác thải

3.1 Chôn lấp hợp vệ sinh:

         Rác thải được rải thành từng lớp, đầm nén để giảm thể tích và phủ đất lên (phun hóa chất để tăng hiệu quả xử lý và hạn chế côn trùng) với sơ đồ quy trình như sau:

Bãi chôn lấp hợp vệ sinh có lắp đặt hệ thống thu khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác. Đây công nghệ đơn giản và chi phí thấp, phù hợp với các nước nghèo và đang phát triển nhưng tốn diện tích đất rất lớn.

3.2 Chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ

Chế biến rác hữu cơ dễ phân hủy thành phân bón hữu cơ dùng trong nông nghiệp. Quy mô hộ gia đình: Rác hữu cơ dễ phân hủy được phân loại riêng và ủ thành phân bón ngay trong sân vườn. Phân bón hữu cơ là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo các côn trùng, có thể được lưu trữ an toàn và có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Phân hữu cơ rất cần cho cây trồng, nó vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì cho đất.

3.3 Thiêu đốt: ( THAM KHẢO )

Quá trình dùng nhiệt độ cao (1.000 - 1.100C) để phân hủy rác. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là làm giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (xỉ, tro). Tuy nhiên, chi phí đầu tư, vận hành nhà máy đốt rác khá cao, phù hợp với các nước tiên tiến, phát triển. Các nước phát triển còn sử dụng nhà máy đốt rác để phát điện, biến rác thành nhiên liệu có ích. Một số tỉnh thành ở nước ta đã áp dụng phương pháp đốt nhưng chủ yếu là để xử lý rác thải nguy hại.

III. Tổ chức thực hiện

1. Công tác tuyên truyền : MTTQ, các ngành đoàn thể , Ban Văn hóa thông tin, Đài truyền thanh xã, Trang tin điện tử xã, các thôn .. căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong xã lắm được mục đích, yêu cầu và nội dung các biện pháp phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

2. Đối tượng thực hiện : các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình trên địa bàn xã.

3. Cơ quan tổ chức, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện : UBND xã thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; phân công Công chức Địa chính – Môi trường , Trưởng các thôn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các tập thể, các nhân thực hiện việc phân loại rác thỉa tại nguồn, tại hộ gia đình.

4. Thời gian thực hiện :

- Từ ngày 25/8/2021 đến ngày 10/9/2021 : Xây dựng xong dự thảo kế hoạch và chuyển đến Đảng ủy – CBCC xã – các chi bộ để xin ý kiến tham gia đóng góp.

- Từ ngày 11/9 đến ngày 15/9/2021 : Tổng hợp, tiếp thu các ý kiến; bổ sung, chỉnh sửa kế hoạch và phát hành.

- Từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021 : tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trang tin điện tử xã và qua các hội nghị …

- Từ 01/10/2021 triển khai tổ chức thực hiện trên địa bàn xã . Hằng tháng, các thôn, các ngành đoàn thể, Chi bộ đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo về Đảng ủy – UBND xã.

Trên đây là Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn xã, UBND xã yêu cầu các thôn, các đơn vị, tập thể, các hộ gia đình và cá nhân tổ chức thực hiện tốt các nội dung kế hoạch đề ra./.

Nơi nhận : 
- UBND huyện;
- Đảng ủy, TT HĐND xã;
- Lãnh đạo UBND xã;
- Các ngành đoàn thể, các chi bộ, các thôn;
- Đài truyền thanh, Trang tin ĐT xã;
- Lưu VP.
TM. ỦY BAN NHÂN   DÂN XÃ
CHỦ TỊCH

Nguyễn Xuân Thảo

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH QUANG - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Xuân Thảo

Địa chỉ: Tông Phố, Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương

Điện thoại: 0220.3794.033

Email: thanhquang.namsach@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 3
Tất cả: 77,218