NÔNG THÔN MỚI
Hướng dẫn quy trình ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt
07/06/2022 09:04:19

Quy trình ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt và sử dụng sản phẩm sau khi ủ, cụ thể như sau:

I. Quy trình ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt

Ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt là quá trình xử lý các chất thải hữu cơ trong sinh hoạt (thức ăn thừa, thức ăn ôi, thiu, trái cây hư, vỏ trái cây, cuộng rau, lông gà, lông vịt, lá cây rụng...) bằng phương pháp ủ, lên men để tạo ra một loại phân hữu cơ bón cho cây.

Để có thể xử lý được rác thải sinh hoạt thành mùn compost cần thực hiện tốt

các khâu sau:

1. Phân loại rác thải sinh hoạt trước khi ủ phân

Rác thải sinh hoạt trước khi được đem xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Đây là một trong những bước rất quan trọng để có thể tối ưu quá trình xử lý rác về sau. Vì vậy, rác thải cần được phân loại thành từng nhóm và chứa vào các thùng chứa riêng biệt. Cụ thể:

- Nhóm rác thải hữu cơ: Thường là thức ăn thừa, thức ăn ôi, thiu, trái cây hỏng, vỏ trái cây, cuộng rau, lông gà, lông vịt, lá cây rụng,... Đây là dạng chất thải hữu cơ (nguồn gốc sinh học) có khả năng tự phân huỷ nhanh trong điều kiện tự nhiên dưới tác động của giun, côn trùng, vi sinh vật. Chỉ nhóm rác thải này mới có thể được xử lý thành mùn compost.


- Nhóm rác thải vô cơ: Thường là sành, sứ, giấy, nhựa PVC, kim loại, mảnh vỡ thuỷ tinh,… Đây là các dạng chất thải không có khả năng tự phân huỷ trong điều kiện tự nhiên hoặc phân huỷ được nhưng phải mất thời gian rất dài. Nhóm rác thải này không thể dùng để xử lý thành mùn compost. Vì vậy, nên phân nhóm rác thải thành hai loại:

+ Rác thải vô cơ có thể tái chế, như: Giấy, bìa cát - tông, kim loại, nhựa, mảnh vỡ thuỷ tinh,… Loại rác thải này nên thu gom để tái chế tránh lãng phí.

+ Rác thải vô cơ không thể tái chế, như: Sành, sứ, vỏ trứng,... loại rác này không thể tái chế lại nên phân loại để riêng để công nhân vệ sinh môi trường thu gom theo quy định.

2.1. Quy trình ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt

Sau quá trình phân loại, phần rác thải hữu cơ được thu gom hàng ngày được

cho cho vào xô, túi riêng đến khi đủ lượng thi đem đi ủ.

Lưu ý: Cần để cho rác ráo nước trước khi cho cho vào xô, túi vì có nước nhiều sẽ làm cho quá trình thối rữa diễn ra nhanh chóng và gây mùi khó chịu; nên hạn chế dùng các loại rác như lá bạch đàn, thân, lá cây xả tươi, vỏ cam, quýt để ủ mùn compost vì những loại này chứa rất nhiều tinh dầu ngăn cản phát triển vi sinh vật phân hủy.

Quy trình ủ gồm các bước sau:

Bước 1: Thiết kế thùng ủ phù hợp và chọn vị trí đặt thùng ủ, tập kết rác hữu cơ tại hố ủ tập trung.

- Thiết kế thùng ủ tại hộ gia đình: Nên tìm, mua loại thùng có dạng hình tròn, dung tích khoảng 150-160 lít, chất liệu bằng nhựa. Phần vách thùng khoan nhiều lỗ nhỏ có khoảng cách từ 10cm đến 13cm cách đều nhau. Phần thành sát đáy thùng khoét hai cửa hình vuông cạnh rộng khoảng 25cm, hai cửa này đối diện nhau và có thiết kế nắp đậy có thể mở ra, đóng vào trước và sau khi lấy mùn compost ra khỏi thùng ủ. Đáy thùng cũng đục lỗ nhỏ khoảng cách từ 7 từ 10cm để thoát nước. Miệng thùng có nắp đạy kín.

- Chọn vị trí đặt thùng ủ: Thùng ủ cần được đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, bếp ăn, nơi thường xuyên sinh hoạt (Những hộ có nhà ở chật hẹp, có thể đặt thùng ủ trên tầng thượng nhưng cần che đậy để đảm bảo nhiệt độ trong thùng ủ không bị quá nóng do nắng chiếu vào).

Lưu ý: Ở dưới đáy thùng ủ nên đặt thau, chậu để thu nước rỉ ra trong quá trình ủ. Phần nước rỉ này có thể tận dụng để tưới lên rác trong thùng nếu rác trong thùng bị khô trong quá trình ủ.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ, chế phẩm hỗ trợ

- Dụng cụ bao gồm: Bao tay, dao, kéo cắt rác hữu cơ, que trộn, dụng cụ xúc

(muôi hoặc xẻng nhỏ),...

- Chế phẩm hỗ trợ: Có thể chọn các chế phẩm có khả năng phân giải chất hữu cơ như: chế phẩm sinh học EM (chế phẩm chứa vi sinh vật hữu hiệu), chế phẩm chứa nấm Trichoderma, Có thể trộn thêm cám gạo với các chế phẩm hỗ trợ.

Bước 3: Tiến hành ủ và kiểm tra, xử lý trong quá trình ủ

- Cách cho rác vào thùng ủ, hố ủ: Rải một lớp rác hữu cơ dày từ 10 đến 15cm xuống đáy thùng, hố ủ sau đó rắc lên lớp rác vừa rải hỗn hợp chế phẩm hỗ trợ rồi nhẹ nhàng tưới đều khắp bề mặt một ít nước sạch để đảm bảo rác đủ ẩm. Cứ làm từng lớp như vậy cho đến khi thùng ủ phân gần đầy thì dừng lại và đậy nắp kín (chùm kín bằng nilon tạo độ nóng, tránh nước mưa).

Lưu ý: Trong quá trình cho rác vào thùng, hố rác hoặc sau quá trình đảo rác nên cho một nhành cây tươi, thân mềm vào giữa thùng, hố rác để sau này kiểm tra nhiệt độ bên trong thùng, hố rác ủ.

- Kiểm tra độ ẩm: Sau khoảng 7 đến 10 ngày trộn, đảo đều rác từ trong ra ngoài sau đó thử một ít đang ủ đem ra ép để kiểm tra độ ẩm:

+ Nếu ép thấy rỉ nước quá nhiều thì cần bổ sung thêm rơm rác khô như lá cây khô, rơm, rạ, cỏ khô hoặc vỏ trấu,.. để điều chỉnh lại độ ẩm.

+ Nếu ép thấy rác thải dính chặt, nước rỉ nhỏ giọt (tương đương độ ẩm khoảng

60%) là độ ẩm đạt yêu cầu.

+ Nếu thấy rác không kết dính chặt, không thấy nước rỉ ra thì tưới bổ thêm

nước vào thùng ủ (có thể hòa thêm chế phẩm hỗ trợ để tưới).

- Kiểm tra nhiệt độ: Sau ủ khoảng 7 đến 10 ngày rút cành cây tươi đã cho vào trong thùng cùng với lúc cho rác để kiểm tra bằng cách dùng tay sờ vào cành cây để cảm nhận. Nếu cảm thấy nóng mạnh thì nghĩa là nhiệt độ đạt yêu cầu. Trường hợp không thấy nóng thì có thể là do rác chưa đủ độ ẩm hoặc thiếu vi sinh vật. Để xử lý ta cần thêm nước tưới thêm nước hoặc trộn bổ sung chế phẩm hỗ trợ.

Lưu ý: Trong quá trình ủ cần phải thường xuyên kiểm soát độ ẩm để tránh tình trạng rác quá khô chậm phân hủy hoặc quá ướt gây mùi hôi,..

Nếu phát hiện rác có mùi hôi thì có thể xử lý bằng men vi sinh xử lý nước thải để hỗ trợ xử lý mùi hôi và tăng khả năng phân huỷ rác.

Cách làm: Tưới, xịt đều men vi sinh trực tiếp lên lớp rác ở bề mặt thùng với lượng 0,5 lít men vi sinh/m2 bề mặt. Thời gian phun xịt lặp lại từ 4 đến 6 giờ/lần cho đến khi thùng ủ hết mùi hôi.

- Kiểm tra chất lượng mùn sau khi ủ: Thông thường sau ủ khoảng một tháng thì rác trong thùng sẽ phân hủy thành mùn compost. Để xem mùn compost đạt yêu cầu hay chưa thì ta mở nắp cửa ở hai bên thành phía sát đáy thùng và lấy mùn ra quan sát.


+ Nếu mùn vẫn ướt, chưa có độ mịn đạt yêu cầu thì nên bỏ vào ủ trở lại, trộn chung với rác đang phân huỷ trong thùng (nên bổ sung thêm men vi sinh và bổ sung cỏ khô, rơm, vỏ trấu,… để giảm độ ẩm nếu phân còn ướt).

+ Nếu thấy mùn có màu nâu đen rất tơi xốp, mịn, không có mùi hôi là đạt yêu

cầu. Khi đó có thể lấy ra để sử dụng

Cách lấy mùn: Lấy dần lớp mùn đã đạt yêu cầu ở phía đáy thùng, hố ủ thông qua hai cửa ở hai bên thành phía sát đáy thùng khi đến lớp mùn chưa đạt thì dừng lại để ủ tiếp.

I. Sử dụng sản phẩm mùn compost sau khi ủ

Mùn compost chính là một loại phân hữu cơ, sau khi bón cho cây trồng nó giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh với điều kiện ngoại cảnh bất thuận, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn (rau xanh, mã quả đẹp, quả ngọt, thơm hơn,...). Ngoài ra bón mùn compost còn có tác dụng làm cho đất tơi xốp, phì nhiêu và giữ nước, giữ phân tốt hơn.

- Mùn compost sau khi được lấy từ thùng ra nên để phơi gió từ 1 đến 2 ngày để giải phóng khí độc và giảm nhiệt độ rồi mới đem đi bón.

- Có thể sử dụng mùn compost để bón cải tạo đất hoặc bón lót, bón thúc cho cây trồng đều được. Khi bón nên kết hợp làm cỏ, cày vùi, vun xới để mùn được đảo đều vào trong đất.

- Lượng bón: Tùy theo lượng mùn tạo ra, tùy theo mục đích sử dụng, đối tượng cây trồng, độ tuổi cây trồng mà lượng bón khác nhau (Trung bình lượng khoảng từ 0,7 đến 1 tấn/ha, tương đương 3 tạ/sào bắc bộ; nếu bón cho cây ăn quả lâu năm thường bón từ 3 - 20kg/gốc/lần, bón tối thiểu 1 lần/năm tùy theo loại cây, độ tuổi; bón cho trồng hoa cây cảnh thường trộn mùn với đất theo tỷ lệ 20 -30% mùn theo thể tích,...)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH QUANG - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Xuân Thảo

Địa chỉ: Tông Phố, Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương

Điện thoại: 0220.3794.033

Email: thanhquang.namsach@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0